Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

HÀ BÁ LẤY VỢ


Tây Môn Báo làm huyện lệnh ở ấp Nghiệp. Báo đến ấp Nghiệp gặp các trưởng lão hỏi dân tình khổ sở vì điều gì? Các vị trưởng lão nói:
-Khổ vì chuyện Hà Bá lấy vợ nên dân nghèo.
Báo hỏi tại sao, họ đáp:
-Quan tam lão(1) và những người thuộc lại mỗi năm thu thuế trăm họ được mấy trăm vạn, lấy ra hai ba mươi vạn để cưới vợ cho Hà Bá. Còn bao nhiêu thì giao cho ông đồng bà cốt chia nhau mang về. Đến lúc ấy, bọn bà cốt đi thấy nhà nào có con gái đẹp thì nói nên gả cho Hà Bá và đem đồ sính lễ đến cưới. Họ tắm rửa cho cô ta xong, lấy the lụa mặc cho cô ta, cho ở một mình ăn chay, dựng nhà trai cung ở trên bờ sông Hoàng Hà, bày cờ đỏ, màn the cho người con gái sống ở trong cung. Cô ta có đủ thịt bò, rượu, cơm. Làm như thế hơn một ngày. Sau đó lại đánh phấn tô điểm cho cô ta, chuẩn bị giường chiếu như cô dâu thật, để cô gái ở trên giường cho trôi trên sông Hoàng Hà. Lúc đầu còn trôi trên mặt nước, đi đến mấy dặm rồi mới chìm. Nhà nào có con gái đẹp cũng rất sợ ông đồng bà cốt bắt gả cho Hà Bá. Cho nên nhiều người mang con gái trốn đi nơi xa. Vì thế trong thành vắng tanh không người, lại càng thêm đói kém. Tục này đã có từ lâu. Dân gian có câu tục ngữ tương truyền: “Nếu không lấy vợ cho Hà Bá thì nước dâng lên chết hết dân”.
Tây Môn Báo nói:
-Khi nào Hà Bá lấy vợ, xin cụ tam lão, các ông đồng bà cốt, các phụ lão tiễn người con gái trên sông Hoàng Hà đến nói với tôi, tôi cũng muốn tiễn cô ta.
Họ đều nói:
-Dạ.
Đến hôm ấy, Tây Môn Báo đến họp trên sông Hoàng Hà. Cụ tam lão, các thuộc lại, những người tai mắt, các bô lão trong làng, nhân dân đến xem hai ba nghìn người. Bà cốt là một bà già tuổi đã bảy mươi. Bọn con gái làm đệ tử theo bà cốt đến mười người. Tất cả đều mặc áo the mỏng đứng đằng sau bà cốt chính. Tây Môn Báo nói:
-Gọi người vợ Hà Bá đến đây xem xấu đẹp thế nào?
Người ta liền dẫn người con gái ở trong màn ra trước mặt Báo. Báo nhìn người ấy, đoạn quay lại bảo tam lão, ông đồng bà cốt:
Người con gái này không đẹp. Phiền bà cốt xuống sông báo với Hà Bá khi nào tìm được người đẹp để thay sẽ đưa dâu.
Liền sai thuộc hạ và quân lính ôm bà cốt già ném xuống sông Hoàng Hà. Một lát sau Báo lại nói:
-Bà cốt già sao đi lâu thế? Các đệ tử phải giục bà ấy đi chứ!
Lại sai ném một người đệ tử xuống sông. Một lát sau Báo lại nói:
-Đệ tử sao lâu về thế! Phải sai một người nữa đi giục họ về.
Lại ném một đệ tử xuống sông nữa. Tây Môn Báo lại nói:
-Bà cốt già và đệ tử đều là đàn bà con gái không thể trình bày công việc được. Xin phiền vị tam lão xuống trình bày đầu đuôi.
Lại sai ném tam lão xuống sông Hoàng Hà. Tây Môn báo cắm bút lên đầu làm ra vẻ cung kính quay về phía sông một hồi lâu. Các vị trưởng lão và thuộc lại đứng bên cạnh đều sợ hãi. Tây Môn Báo quay lại nói:
-Bà cốt già, tam lão không về! Bây giờ làm thế nào? Muốn sai một người thuộc lại và một người trưởng lão xuống giục.
Hai người này đập đầu van xin, đầu muốn vỡ máu chảy lênh láng trên đất, sắc mặt xám như tro nguội. Tây Môn Báo nói:
-Được, ta hãy đợi một chút.
Một lát sau Tây Môn Báo nói:
-Ông lại đứng dậy, Hà Bá giữ khách như thế lâu rồi. Cho tất cả về nhà.
Thuộc lại và dân chúng đất nghiệp đều hoảng sợ. Từ đó về sau không ai dám nói đến việc Hà Bá lấy vợ nữa.
Sử ký – Tư Mã Thiên
------------
(1) Chức quan ngày xưa coi việc giáo huấn trong làng

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

THUẦN VU KHÔN NÓI CHUYỆN UỐNG RƯỢU



Tề Uy Vương mời Thuần Vu Khôn cho uống rượu, hỏi:
-Tiên sinh uống được bao nhiêu rượu thì say ?
Khôn đáp:
-Thần uống một đấu cũng say, một hộc(1) cũng say.
Uy Vương nói:
-Tiên sinh uống một đấu đã say thì uống thế nào được một hộc? Tiên sinh có thể cho biết tại sao lại nói như vậy không?
Khôn nói:
-Nếu cho rượu uống trước mặt đại vương, có quan chấp pháp đứng bên cạnh, quan ngự sử (2) nấp sau lưng thì Khôn sợ hãi cúi đầu mà uống, chỉ mới một đấu đã say. Nếu cha mẹ có khách quý, Khôn vén áo khom lưng hầu rượu ở trước mặt, thỉnh thoảng ban cho mấy giọt rượu thừa, lại phải bưng chén rượu chúc thọ, phải đứng lên hầu rượu luôn, như thế chỉ mới hai đấu đã say. Còn như bè bạn chơi bời lâu ngày không gặp nhau, bỗng nhiên gặp gỡ, mừng rỡ kể chuyện cũ, đem chuyện riêng ra nói cùng nhau, như thế uống được năm sáu đấu là say. Nhưng nếu như ngày hội ở nhà quê, trai gái ngồi lẫn lộn, mời rượu dằng dai, đánh bạc, ném hồ, kéo nhau tụm năm tụm ba, nắm tay nhau cũng không ai phạt, mắt nhìn nhau cũng không ai cấm. Đằng trước có cái hoa tai đánh rơi, đằng sau có cái trâm bị bỏ sót, Khôn trộm lấy thế làm vui, có thể uống tám đấu cũng chỉ say hai phần. Khi trời chiều việc vãn, dồn chén ngồi kề, gái trai cùng chiếu, giày dép lẫn lộn, chén bàn bừa bãi, trên thềm tắt đuốc, chủ nhân giữ Khôn ở lại mà tiễn khách ra, áo là cởi bỏ, thoáng thấy mùi hương phưng phức. Trong lúc bấy giờ lòng Khôn rất vui, có thể uống được một hộc. Vì vậy nói rượu quá hóa loạn, vui quá hóa buồn, muôn việc đều thế. Mọi việc đều không thể quá. Hễ quá thì hỏng.
Vua Tề nói:
-Hay.
Bèn bãi bỏ việc uống rượu suốt đêm.
Sử ký – Tư Mã Thiên
-----------
(1) Một hộc bằng mười đấu
(2) Chấp pháp và ngự sử đều là những quan coi về nghi lễ

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

ĐI TẮM Ở SÔNG NGHI, RỒI LÊN HỨNG MÁT Ở NỀN VŨ VU


Tử Lộ, Tăng Tích, Nhiễm Hữu và Công Tây Hoa ngồi hầu. Khổng Tử bảo: “Các anh cho rằng ta có chỗ lớn hơn các anh một ngày(1) mà ngại, nhưng đừng ngại gì cả! Ở nhà các anh thường nói: Chẳng ai biết ta. Nếu có người biết thì các anh đem tài năng gì ra dùng? Tử Lộ vội vàng đáp: “Ví như một nước có một ngàn cỗ xe(2), bị ép giữa hai nước lớn, lại thêm có nạn chiến tranh, nhân đó dân chúng đói khổ. Do (Tử Lộ họ Trọng tên Do. Tử Lộ là Tự) tôi mà cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm, có thể khiến cho dân chúng dũng cảm mà biết đạo lý nữa. Khổng Tử mỉm cười. Rồi hỏi: Cầu (Tức Nhiễm hữu), còn anh thì sao? Đáp: “Như có một nước vuông vức, sáu bảy chục dặm hoặc năm sáu chục dặm(3), Cầu tôi cầm quyền nước ấy thì vừa đầy ba năm, có thể khiến cho dân chúng được no đủ. Còn về Lễ Nhạc thì xin đợi bậc quân tử. Xích (Tức Công Tây Hoa) còn anh thì thế nào: Đáp: Về Lễ Nhạc tôi không phải là giỏi, nhưng xin được học. Trong việc tế tự ở tôn miếu hoặc trong hội nghị các chư hầu, Xích tôi mặc áo lễ  huyền đoan, đội mũ chương phủ mà xin làm một tên tiểu tướng(4)”. Điểm (Tức Tăng Tích) còn anh thì thế nào? Lúc đó Tăng Tích gảy đàn sắt vừa ngớt, đặt đàn xuống - keng! Mà đứng dậy đáp: Chí của tôi khác hẳn với ba anh đó. Khổng Tử bảo: “Hại gì? Cũng là ai nấy tỏ chí của mình ra mà thôi”. Thưa: “Như bây giờ là tháng cuối xuân, y phục mùa xuân đã may xong(5), năm sáu người vừa tuổi đôi mươi(6) cùng với sáu bảy đồng tử dắt nhau đi tắm ở sông Nghi, rồi lên hứng mát ở nền Vũ Vu(7) vừa đi vừa hát kéo nhau về nhà”. Khổng Tử trầm ngâm một chút rồi than: “Ta cũng muốn như Điểm vậy”.
---------- 
(1) Lời nói nhũn. Trong số môn đệ đó, Tăng Tích (cha Tăng Sâm) chắc không nhỏ tuổi hơn Khổng Tử bao nhiêu.
(2) Tức một nước chư hầu trung bình không vào hạng nhỏ.
(3) Tức một nước chư hầu nhỏ.
(4) Một chức quan nhỏ coi việc lễ.
(5) Nguyên văn: Ký thành. Có sách giảng là “Đã mặc xong”.
(6) Nguyên văn: Quán giả, nghĩa là người đã làm lễ đội mũ (Lễ gia quan): Thanh niên tới 20 tuổi thì làm lễ đó.

(7) Sông Nghi ở nước Lỗ. Vũ Vu là một cái đàn để tế, cao, trống, mát mẻ.