Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

CHUYỆN BÁN SÁCH XƯA VÀ NAY

 Trước hết cần giải rõ thế nào là xưa, nay.

Xưa, tức là cái thời các cụ ta còn chia dân thành bốn loại (tứ hàng dân) là Sỹ, Nông, Công, Thương. Dân làm thương nghiệp bị xếp vào hạng bét, thường vẫn được gọi là con buôn. Ông đồ (thầy giáo) ông cống thuộc hàng kẻ sỹ, tức là đứng đầu trong tứ hàng dân. Người đi học vẫn phải nộp học phí nhưng gọi là lễ. Đem dâng lễ thầy để xin học. Thầy còn đứng trên cả cha mẹ, chỉ sau có vua. Tức là cái thứ tự quân – sư – phụ.

Vào thời đó sách quý hơn vàng. Thầy phải đem bán sách là quá khốn cùng. Có câu chuyện Trương Lương được sách hết sức ly kỳ.

Trương Lương là danh thần giúp vua Cao Tổ nhà Hán là Lưu Bang làm nên đế nghiệp. Thủa nhỏ có lần đi chơi Trương Lương gặp một cụ giá quắc thước. Cụ thấy Trương Lương khôi ngô,  dĩnh ngộ thì lấy làm yêu. Để thử lòng Trương Lương cụ vờ đánh rơi dép xuống cầu rồi sai cậu xuống nhặt. Cụ lại làm rơi dép lần nữa, rồi lần nữa là rơi gậy. Cứ thế ba lần cụ sai Lương nhặt Lương đều ngoan ngoãn vâng lời. Cụ khen: trẻ này dạy được. Rồi cụ hẹn Trương Lương canh tư ngày mai đến chỗ ấy, chỗ ấy “ta sẽ tặng cho cuốn sách”.

Hôm sau Trương Lương đến nơi đúng hẹn đã thấy cụ già ngồi đấy. Cụ mắng: Hẹn với người già mà đến muộn thế là không tốt. Rồi cụ cho chuộc lỗi bằng việc hẹn vào canh tư hôm tiếp.

Hôm ấy Trương Lương đi thật sớm. Đến chỗ hẹn mới canh hai nhưng đã thấy cụ ở đó rồi. Thế là lại bị mắng. Rồi cụ là cho cơ hội sửa sai.

Lần này Trương Lương không ngủ. Sau bữa tối chàng đến ngồi sẵn ở chỗ hẹn. Chừng độ canh hai đã thấy cụ già từ xa đi lại, trên tay phất phơ chiếc quạt. Gặp Trương Lương cụ tươi cười trao sách rồi dặn rằng: “Sau này con đi qua chân núi Cốc Thành thấy hòn đá màu vàng thì chính là ta đó”.

Trương Lương được sách chăm chỉ học hành trở nên tài giỏi. Ông đã giúp Lưu Bang trở thành Hán Cao tổ. Cơ nghiệp nhà Hán truyền nối hơn bốn trăm năm. Lại nói Trương Lương trong một lần đi qua chân núi Cốc Thành thấy hòn đá màu vàng đúng như lời thầy dặn. Ông nhặt hòn đã này về kê làm cái gối đầu.

Chuyện sách xưa thiêng liêng thế đấy.

Về người nước ta từ sau cách mạng thì chẳng còn ai nhắc gì tới chữ sỹ nữa. Giai cấp công nhân trở thành tiên tiến. Nhưng người buôn thì vẫn bị coi thường. Từ “con buôn” còn đó. Lại thêm tiếng gọi “con phe”, dân “phe phẩy”. Chuyện này còn cho mãi đến trước năm tám sáu (1986). Từ năm tám sáu bắt đầu kinh tế thị trường. Mọi ngành nghề đều bình đẳng. Chuyện bán buôn phổ cập khắp mọi nhà. Bây giờ sách là hàng hóa. Bán sách là quảng bá văn hóa đọc. Người bán sách là người truyền lửa, ngọn lửa đam mê tình yêu tri thức.

Trở lại những năm tám mươi của thế kỷ trước. Cái đói đã khiến các ông thầy phải làm tất cả mọi việc để trang trải chuyện áo cơm. Nhà thơ Nguyễn Thái Vận đã viết bài thơ đầy xúc cảm:

GẶP THẦY GIÁO CŨ ĐI BÁN SÁCH CŨ.

Phút thầy trò vừa chợt nhận ra nhau

Trên tay thầy tuột rơi chồng sách cũ

Giữa quán sách nghèo bán mua lặng lẽ

Mười năm xa gặp lại sững sờ.


Tôi nhận ra từng trang sách ngày thơ

Thời gian khổ cùng Những người khốn khổ

Những Dot-stoi, Ep-xki chừng không hiểu rõ

Vì sao thầy tôi đưa họ đến đây.


Tuổi trẻ tôi khao khát tràn đầy

Theo trang sách đến những bờ bến lạ

Thầy như con ong cần cù hút nhụy

Lọc sách ra thành lời giảng say sưa.


Sách với thầy là báu vật trong nhà

Bìa quăn mép thầy đưa tay vuốt lại

Mỗi nét in sai có nét chữa của thầy.

Kho báu đời thầy có thể sẽ vơi

Vì sách cứ thành mớ rau hạt gạo

Tôi cúi nhặt giùm thầy đôi tay nặng trĩu

Không dám hỏi đầu chỉ lặng lẽ nhìn thầy.

 

 

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

CÓ NÊN HỎA THIÊU NGƯỜI CHẾT RỒI MỚI LÀM MA

 

 

Mới đây tôi dự hai đám tang của bà cô và ông chú trong họ thấy rất là đau đớn khi tang gia đem thi hài người chết đi hỏa thiêu quá nhanh. Một ông chết lúc khoảng 4 giờ sáng mà tầm 6, 7 giờ sáng các con đã đem đi hỏa thiêu rồi đem tro cốt về mới bắt đầu phát tang, cúng bái, tế lễ, làm ma làm chay trong một ngày,một đêm sau đó. Rồi sau đó đám tang thứ ba của gia đình người hàng xóm của tôi cũng làm như vậy. Những điều này cứ khiến tôi suy nghĩ mãi. Xưa (chẳng phải quá xưa đâu mà chỉ cách đây dăm ba năm thôi) thi hài người chết được quàn tại gia trung trong hai mươi bốn tiếng để con cháu làm ma làm chay, kêu than khóc lóc tỏ bày lòng tiếc thương. Những bài khấn, bài cúng của đội thợ kèn thật bi ai thống thiết gợi lòng thương xót của người dự đám. Có hiệu quan tài người ta còn để ở đầu quan nơi tương ứng với khuân mặt người chết một tấm kính để nhỡ có con cháu ở xa về muộn thì còn lật mảnh ván nhỏ lên để nhìn mặt người thân lần cuối. Theo tục lệ xưa coi người chết trong 49 ngày còn có mối liên hệ với dương gian. Người ta làm lễ phạn hàm cho tiền và gạo vào miệng người chết với ngụ ý rằng trong thời gian chưa nhập hoàn toàn với cõi âm thì vong hồn vẫn tiêu dùng đồ trên dương thế.

Theo đời sống mới thi hài người chết chỉ được quàn trong nhà không quá hai mươi bốn tiếng để đảm bảo vệ sinh. Trong thời gian đó người ta cúng bài, gào khóc, hú hồn hú vía với ý nghĩa rằng làm mọi cách để mogn cho sống lại. Người viết bài này được bà thân sinh (năm 85 tuổi vẫn còn rất minh mẫn, mạnh khỏe) kể cho nghe một trường hợp hi hữu ở làng. Đó là trường hợp một cụ bà đã sau lại sau mấy giờ đồng hồ con cháu khóc than. Cụ đã tỉnh dậy từ trong quan tài và còn sống thêm một cách khỏe mạnh thêm mấy năm nữa.

Vậy mà nay người ta nỡ đem hỏa thiêu người chết quá nhanh. Bảo rằng làm thế cho hợp vệ sinh là quá ích kỉ. Khi người mới mất tình cảm xót thương lưu luyến còn tràn đầy. Lời than khóc còn có thực. Khi đã hỏa thiêu rồi chỉ còn tro cốt thì tình cảm đã vơi cạn quá nhiều rồi.

Xin các cụ trong làng ta lên tiếng để nếu nhà ai thực hiện hỏa thiêu người quá cố thì cũng chỉ nên đem đi thiêu sau khi đã tế lễ làm ma. Trừ trường hợp người bị bệnh truyền nhiễm, còn lại thì hai mươi bốn tiếng bên người thân quá cố không phải là cái gì mất vệ sinh quá thể. Xin hãy lưu giữ tình thân quý,  tỏ bày lòng hiếu thảo một lần cuối với người thân qua đời. Đừng nhân danh khoa học với hợp vệ sinh để làm vơi cạn tình người vốn mong manh ít ỏi trong thời đại kim tiền hôm nay.

20-5-2023.

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

ÁP DỤNG BINH PHÁP TRONG VIỆC DẠY CON

Khoan vội bực mình rằng sao lại là binh pháp.

Trong ba mươi sáu kế của binh pháp Tôn Tử có kế thứ hai gọi là kế Vây Ngụy cứu Triệu. Chuyện rằng vào thời Chiến quốc bên Tàu, nước Ngụy đem quân đánh nước Triệu. Nước Triệu yếu thế phải cầu cứu nươc Tề. Vua Tề sai tướng đem quân cứu Triệu. Thay vì đem quân sang Triệu đánh Ngụy thì vị tướng này kéo quân đánh thẳng vào kinh đô nước Ngụy khiến quân Ngụy phải bỏ nước Triệu chạy về. Thế là Triệu được giải cứu.

Các bậc cha mẹ hãy áp dụng kế này trong việc dạy con. Các vị luôn mong muốn con mình học giỏi, điểm cao, thi đỗ. Thay vì chăm chăm vào chuyện bắt con đi học thật nhiều, làm thật nhiều bài tập hãy chú ý nhiều hơn đến chuyện giáo dục. hãy giúp con thực tốt những điều quy định. Hãy tạo cho con thói quen kiềm chế cảm xúc, trì hoãn sự hài lòng, biết đâu là ranh giới được phép. Như thế là đang tập cho con biết kỷ luật.

Hãy giúp con đọc sách để con biết đến lịch sử, văn hóa, thấy được những tấm gương danh nhân, danh tướng. Đó là giúp con hình thành lòng hướng thượng.

Việc đọc sách cũng sẽ giúp con bồi bổ tình yêu tri thức. Tình cảm trí tuệ được lớn dần sẽ hình thành trong niềm đam mê với kiến thức, có mong muốn chiếm lĩnh tri thức. Như vậy là giúp con hình thành và nuôi dưỡng niềm đam mê.

Một đứa trẻ có tính kỷ luật, có niềm đam mê, có lòng hướng thượng thì việc học với nó không phải là khổ học mà là hạnh phúc.

Đó chính là áp dụng kế “vây Ngụy cứu Triệu” trong giáo dục vậy.